07/05/2024
Góc nhìn từ kinh nghiệm thế giới
Nhật Bản là nơi đầu tiên chế tạo đại trà được vi mạch với quy mô rất lớn hay còn gọi là siêu quy mô. Để làm ra chíp, phải có vật liệu đầu vào, thiết bị chế biến, thiết bị kiểm tra, và thiết bị đóng gói. Vật liệu đầu vào chủ yếu là silicon, nhiều loại hóa chất và một lượng nhỏ những vật liệu khác. Thiết bị chế biến là cả một chuỗi các máy móc đa dạng, tinh xảo. Thiết bị kiểm tra là những máy tính chuyên dụng rất đắt tiền. Khâu đóng gói cần đến những thiết bị cơ khí chính xác, cùng với nhiều phụ kiện, vật liệu khác nữa. Có thể nhìn từ Nhật Bản ngoài thành tích là nước đầu tiên phát triển được công nghệ sản xuất đại trà chíp với quy mô siêu lớn, còn phát triển được tất cả những công nghệ liên quan đến những khâu khác, từ vật liệu đầu vào cho đến các thiết bị chế biến, kiểm tra và đóng gói.
Để có những thành tựu lớn từ ngành công nghiệp vi mạch mang lại, Nhật Bản đã thực hiện các kế hoạch dài hạn để góp phần đưa ngành công nghiệp vi mạch phát triển đến một tầm cao mới và mang lại những giá trị rất lớn cho đất nước như: Thúc đẩy sự kết nối trong khoa học; Thúc đẩy phát triển công nghiệp; Hiệu ứng đối với nền kinh tế và giáo dục đại học.
Vi mạch và chuyển đổi số ở Việt Nam
Tại Việt Nam ngành công nghiệp bán dẫn đã sớm được chú trọng và phát triển để hội nhập vào nên kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên ngành công nghiệp bán dẫn tại nước ta hiện nay vẫn còn non trẻ và gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và chip này là một vấn đề cấp bách cần được đầu tư vì nó có mối quan hệ mật thiết với nhiều ngành kinh tế khác.
Tại Việt Nam, việc phát triển công nghiệp bán dẫn đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, những hệ cảm biến, hệ IoT, hệ AIoT, hệ truyền thông chuyển đổi số như vậy sẽ được thực hiện bằng những vật liệu, phụ kiện, máy móc, thiết bị gì? Công tác xây dựng một hệ truyền thông như vậy cần được bảo trì, bảo dưỡng, khuếch đại, nâng cấp liên tục, không dừng. Kinh phí cho hệ thống chuyển đổi số toàn quốc như vậy sẽ là vô cùng lớn và kéo dài. Nếu tất cả những vật tư như vậy đều phải mua từ nước ngoài, thì với một quốc gia có lượng dân số lớn như Việt Nam, cách làm này vô cùng tốn kém. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là phát triển nền công nghiệp điện tử trong nước “đủ lông, đủ cánh” để thỏa mãn những nhu cầu nội địa cấp thiết trong công tác chuyển sổi số, hướng tới xây dựng xã hội số.
Việt Nam hiện nay đang rất cần những công nghệ cao, những sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng lớn, những nhà kinh doanh tầm cỡ có khả năng xây dựng và điều hành thành công những nhà máy chế tạo ra sản phẩm công nghiệp đáp ứng được nhu cầu trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn, hàng chục ngàn lao động, cả lao động trí óc lẫn lao động chân tay. Hiện nay có thể thấy có nhiều nhân tố quyết định đến sự phát triển của nền công nghiệp bán dẫn vi mạch: Nguồn nhân lực trình độ cao, nhân công vừa phải, sự tích cực hỗ trợ của nhà nước, trung ương cũng như địa phương, tài chính và cơ chế, ý muốn chủ quan của các cơ quan Ban, ngành.