08/04/2024
Các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bước đi chuẩn bị cho việc trong phát triển nhân lực cung ứng cho ngành vi mạch bán dẫn...
Admin, 11:20, ngày 08/4/2024
Trong giai đoạn bùng nổ phát triển các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn...), các trường ở miền Tây đã có những bước đi “dài hơi” trong việc phát triển nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm từ công nghệ vi mạch.
Nắm bắt xu thế khoa học kỹ thuật trong năm 2024, Trường ĐH Cần Thơ mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính với thời gian đào tạo 4,5 năm. Cùng với đó, các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Trà Vinh, trường ĐH Nam Cần Thơ cũng mở mới chuyên ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn. Việc này sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn cho khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoài Trường ĐH Cần Thơ, tại vùng ĐBSCL hiện cũng có một số trường đại học có đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực điện tử như: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, trường Đại học Trà Vinh, Trường ĐH Kỹ thuật - Công Nghệ Cần Thơ, Trường ĐH Cửu Long, Trường ĐH Tây Đô. Đây cũng là nhóm nhân lực hỗ trợ tốt cho phát triển ngành vi mạch.
Sản phẩm từ công nghệ vi mạch được ứng dụng trong rất nhiều công nghệ trong đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin về việc phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ cho hay, trong “Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030” do Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xây dựng. Trong đó, dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trường ĐH Cần Thơ vinh dự là một trong 18 đại học/trường đại học được phân công, giao chỉ tiêu đào tạo kỹ sư lĩnh vực vi mạch điện tử. Đây là cơ hội cũng là thách thức đối với nhà trường.
Ngành thiết kế vi mạch bán dẫn đang trở thành tâm điểm của nhiều lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ.
Theo đó, Trường ĐH Cần Thơ với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng; là cầu nối năng động, tin cậy và hợp tác trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước. Hiện Trường ĐH Cần Thơ có nguồn nhân lực gần 2.000 cán bộ, giảng viên, trong đó có gần 1.200 giảng viên trình độ tiến sĩ, chiếm 55%, giáo sư, phó giáo sư chiếm 17%, và 45 ngàn sinh viên, đào tạo đa ngành, chuyên sâu, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp hiện đại.
Theo thống kê do Cộng đồng vi mạch Việt Nam công bố tháng 07/2023, Trường ĐH Cần Thơ thuộc Top 5 các trường đại học cung cấp nhân lực làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam”, Tiến sĩ Lương Vinh Quốc Danh nói.